(LSO) - Nghị định 82/NĐ-CP ngày 15/7/2020, có hiệu lực ngày 01/9/2020 sẽ có tác động trực tiếp đến hoạt động của giới Luật sư Việt Nam, rất nhiều các vấn đề mà giới Luật sư cần phải được cảnh báo và chấn chỉnh nếu không muốn bị phạt, bị tạm đình chỉ hành nghề hoặc bị rút thẻ, xóa tên.
Sẽ không thể còn tồn tại tình trạng Luật sư không gắn với một hình thức hành nghề bắt buộc là hành nghề với tư cá nhân (theo Điều 49 Luật Luật sư) hoặc hành nghề theo một tổ chức nhất định (Điều 23 Luật Luật sư). Sự lựa chọn hình thức hành nghề sẽ điều chỉnh ngay quan hệ lao động của những người đang là Luật sư và cả định hướng nghề nghiệp, công việc hiện tại, cuộc sống của những người có ý định hay mong muốn sẽ trở thành một Luật sư. Tính chuyên nghiệp đòi hỏi sự phân hóa nghề nghiệp rõ ràng buộc người muốn theo nghề phải lựa chọn dứt khoát, không thể lưỡng lự hay tùy nguy lựa chọn nước đôi trong nghề nghiệp: làm một Luật sư hay cùng lúc sẽ làm nhiều công việc khác.
Mức phạt từ 7 đến 10 triệu đồng là nút chặn thứ nhất cho các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư không chấn chỉnh ngay các trường hợp không rõ ràng trong quan hệ lao động với tổ chức hành nghề và chính các Luật sư trong mối quan hệ lao động với các tổ chức, đơn vị nơi mình đang làm việc (có đóng bảo hiểm xã hội) với tư cách là người lao động (giám đốc, trưởng phòng, nhân viên,… của tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp) mà không phải hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân (có đăng kí hành nghề tại Sở Tư pháp địa phương theo Điều 49 Luật Luật sư).
Thật đáng tiếc khi sẽ có một số Luật sư lựa chọn rời bỏ “chữ nghiệp Luật sư” bởi những quy định bắt buộc họ phải đăng kí là Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định trong khi họ đang là giám đốc của một doanh nghiệp, một ngân hàng, một tổ chức,… nơi chỉ cần một chức danh, một danh xưng chuẩn mực và tên gọi Luật sư chỉ là bổ trợ (thứ yếu trong lĩnh vực hoạt động của đơn vị). Những Luật sư “chất lượng cao” này chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong lực lượng Luật sư hiện nay dưới hình thức hành nghề “có hợp đồng lao động” với một tổ chức hành nghề Luật sư nhưng không đóng bảo hiểm xã hội (vì đơn vị họ đang làm việc đã đóng BHXH từ trước). Vấn đề đặt ra là việc yêu cầu các Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân hoặc hành nghề theo tổ chức hành nghề luật phải có đóng BHXH (trừ trường hợp hưu trí),buộc các Luật sư phải lựa chọn và đàm phán lại quan hệ lao động để định vị nghề nghiệp tương thích với hoàn cảnh.
Trong khi các tổ chức hành nghề Luật sư chưa đủ mạnh hoặc chưa đủ điều kiện để đón nhận họ trở lại đúng quy định nghề nghiệp Luật sư (do phải trả lương và BHXH tương xứng với vị trí họ đang làm) hoặc bản thân họ cũng chưa hội đủ các yếu tố để thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề, thì cơ hội theo đuổi nghề nghiệp Luật sư của khá nhiều người sẽ trở nên không thể. Sự lựa chọn ở lại với đơn vị mình đang làm việc (dĩ nhiên phải được sự đồng ý của đơn vị) với tư cách là Luật sư hành nghề cá nhân trong phạm vi hoạt động dịch vụ bó hẹp tại chỗ với tư cách nước đôi, cũng như sự hạn chế các kĩ năng nghề nghiệp (không được tham gia các hoạt động dịch vụ khác như tranh tụng, tư vấn, … ngoài đơn vị đang làm việc),là một trong những rào cản về tâm thế, nhận thức của cả người trong và ngoài cuộc.
Mặt khác, yêu cầu có tính bất hợp lý của việc hành nghề với tư cách cá nhân là chỉ thực hiện chức năng nghề nghiệp duy nhất cho đơn vị mình (và các trường hợp theo yêu cầu của Cơ quan Nhà nước) đã làm bó hẹp hoạt động của một Luật sư, không theo tinh thần của Bộ luật Lao động (được có nhiều hợp đồng lao động phù hợp),làm "thui chột" kĩ năng nghề nghiệp và mất đi tính hấp dẫn của nghề nghiệp. Có thể khẳng định rằng, từ những quy định có tính cưỡng chế về sự lựa chọn hình thức hành nghề, người hành nghề Luật sư và chuẩn bị theo đuổi nghề này đã phải bắt buộc có sự lựa chọn cho sự “chuyên nghiệp” thực sự trong tương lai của mình. Các quan niệm về hình thức nghề nghiệp, lấy thẻ Luật sư cho oai hay lấy cái danh làm việc này nọ cho hoành tráng, thậm chí sẽ ghi trên tấm name card hay “tấm bia mộ” sẽ từng bước được chấn chỉnh, loại trừ.
Điều 6, khoản 3, Nghị định 82/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mà luật sư đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên;
- Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề Luật sư trở lên;
- Làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức khác bằng hình thức Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ngoài tổ chức hành nghề Luật sư mà Luật sư đã thành lập, tham gia thành lập hoặc đã ký hợp đồng lao động;
- Hành nghề Luật sư không đúng hình thức hành nghề theo quy định;
Nghị Định 82/NĐ-CP xem như đã đóng cửa tình trạng các Luật sư đánh trống ghi tên trong rất nhiều nội dung hoạt động nghề nghiệp. Việc một Luật sư làm việc cho một doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan, xí nghiệp (có hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội,…) và kí hợp đồng lao động (không bảo hiểm xã hội) ở một tổ chức hành nghề Luật sư nào đó để duy trì, được xem là đang hoạt động nghề nghiệp là không còn phù hợp. Các trường hợp Luật sư “lang thang”, “cô đơn” bên ngoài hành lang pháp lý nghề nghiệp sẽ không còn. Việc tự ý kí hợp đồng dịch vụ pháp lý và tự xử (không thông qua tổ chức hành nghề) hoặc vừa hành nghề với tư cách cá nhân (cho một đơn vị) nhưng nhận thêm, làm thêm bên ngoài đơn vị đó sẽ là những rủi ro pháp lý cho người không tuân thủ qui định pháp luật. Tính chuyên nghiệp sẽ được nâng cao nhưng sự phân hóa, đào thải, sắp xếp lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nghề nghiệp của giới Luật sư, cũng như nguồn nhân lực phát triển đội ngũ Luật sư.
Luật sư LÊ QUANG Y Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai |