(LSO) - Qua thực tiễn khá sinh động của nghề dịch vụ pháp lý trong những năm gần đây cho thấy đã có hàng ngàn tổ chức hành nghề Luật sư (TCHNLS) ra đời trong giai đoạn từ sau ngày Luật Luật sư 2006 có hiệu lực pháp luật vào ngày 01/01/2007 đến nay. Các tổ chức hành nghề Luật sư được thành lập và hoạt động chủ yếu tập trung ở các thành phố trung ương hay thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn của các địa phương, những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất ít có tổ chức hành nghề được thành lập. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường dịch vụ pháp lý, nhưng nó cũng phản ánh một thực trạng mất cân đối của sự phân bố đội ngũ Luật sư trong toàn quốc.
Hiện tại, Đoàn Luật sư TP. Hồ chí Minh có khoảng 1.626 tổ chức hành nghề, với gần 5.991 Luật sư; Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có khoảng 1.300 tổ chức hành nghề, với gần 5.000 Luật sư (theo Dự thảo báo cáo nhiệm kỳ 2014-2019),trong khi đó có một số địa phương chỉ có vài tổ chức hành nghề và nơi nhiều nhất cũng chưa tới 200 tổ chức hành nghề. Ví dụ, Đồng Nai có khoảng gần 400 Luật sư, đứng thứ ba cả nước về số lượng Luật sư, nhưng chỉ có khoảng 135 TCHNLS.
Với thực tế đó, công tác “quản lý Nhà nước kết hợp với chế độ tự quản” (theo Điều 6 Luật Luật sư) thực sự là một thách thức không chỉ đối với sự tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, mà cả đối với cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về Luật sư (nơi có hàng ngàn Luật sư, TCHNLS và nơi có vài Luật sư đều có bộ máy chức năng quản lý như nhau). Phải chăng, vì thế các bộ công cụ quản lý, điều hành có vẻ như có những điểm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn sinh động của nghề nghiệp Luật sư trong cả nước. Dù gì đi nữa, tính cưỡng chế Nhà nước của quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 82/NĐ-CP ban hành ngày 15/7/2020 đã có hiệu lực buộc các chủ thể trong phạm vi bị điều chỉnh phải tuân thủ nghiêm ngặt, các Trưởng TCHNLS phải tập trung nghiên cứu, vận dụng và nâng cao tầm quản trị tổ chức của mình phù hợp với thực tiễn là một đòi hỏi cấp bách.
Hàng ngàn tổ chức hành nghề Luật sư được ra đời với sự đa dạng của các hình thức tồn tại, trên cơ sở của việc trở thành Trưởng văn phòng Luật sư hay Giám đốc công ty luật,… thật dễ dàng và nhẹ nhàng của người đã có thẻ Luật sư. Chỉ cần chứng minh có đủ 2 năm hành nghề và một địa chỉ trụ sở (có hợp đồng thuê hay mượn nhà) để thành lập văn phòng thì sau một vài thủ tục đăng kí, cấp phép bạn đã có thể trở thành Luật sư trưởng, Luật sư Giám đốc, hay “sếp” Luật sư đầy tự hào. Thực tế, song song với sự tự hào đó là gánh nặng trên đôi vai của người đứng đầu khi phải tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động của tổ chức hành nghề và phải tìm kiếm, cân đối công ăn, việc làm cho các Luật sư, người lao động trong tổ chức của mình.
Một số tổ chức hành nghề (đa số tập trung ở những thành phố lớn) mạnh mẽ, có đội ngũ Luật sư giỏi, chuyên môn sâu, có khách hàng nhiều, thậm chí nhờ vào sự may mắn trong nghề nghiệp,… vẫn đang tiếp tục thành công và phát triển tốt. Bên cạnh đó, số còn lại (chiếm một tỉ lệ rất cao) khó có thể nói là họ đã thành công hay chưa trong nghề nghiệp, hay phải lạc quan “tếu” khi thấy rằng họ đang phải xoay xở tồn tại để chờ đợi sự “bùng nổ” yêu cầu dịch vụ Luật sư theo tỉ lệ dân cư (tạm tính) trên số lượng Luật sư Việt Nam là hơn 10.000 dân/1 Luật sư (chỉ cần một vài phần trăm dân cư trong tỉ lệ này sử dụng dịch vụ pháp lý, thì lực lượng Luật sư không đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội và mỗi Luật sư sẽ làm không hết việc!).
Có thể nói, sự kỳ vọng vào cơ hội của nghề nghiệp đã tạo sự hưng phấn và kiên trì theo đuổi nghề của rất nhiều tổ chức hành nghề cho dù không có việc làm đúng nghề (phải làm đủ thứ dịch vụ),trong khi vẫn phải giải quyết các đòi hỏi cho sự tồn tại đến hẹn lại lên: tiền nhà đến, tiền lương đi, bảo hiểm y tế xã hội, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, khách hàng đòi thanh lý hợp đồng,…; sự loay hoay, xoay xở không chỉ dừng lại ở đó, các yêu cầu của công tác quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về tổ chức hoạt động, về nghĩa vụ thuế, về trách nhiệm xã hội, trong đó chất lượng của dịch vụ đang là đòi hỏi hàng đầu (chất lượng tư vấn, tranh tụng) vẫn đang là những thách thức thực sự cho sự tồn tại và sự phát triển của các tổ chức hành nghề Luật sư không kịp thời nâng tầm quản lý thích ứng với thực tiễn cuộc sống và đòi hỏi của pháp luật.
Kể từ ngày 01/9/2020, các báo cáo cho cơ quan quản lý không đúng, không kịp thời hạn; các sai sót trong việc đăng báo về nội dung thay đổi hoạt động, nội dung báo cáo hay việc không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định; việc không mua bảo hiểm nghề nghiệp đầy đủ cho các Luật sư của tổ chức mình;… sẽ không còn là câu chuyện nhắc nhở, cảm thông và sẽ được được soi kỹ với mức phạt từ 7 đến 10 triệu đồng (khoản 1, Điều 7 Nghị định 82/NĐ-CP). Mức phạt tiếp tục tăng thêm cho hành vi tưởng chừng như là sự thiếu sót hay nhầm lẫn trong quản lý, điều hành hoạt động, hoặc do nhân viên không hiểu, chưa chuyên nghiệp trong các công việc đặc thù của nghề Luật sư (hay TCHNLS không có nhân viên do không có điều kiện thuê),… mà các TCHNLS không thể qua loa trong quản lý hay xin được thông cảm.
Khoản 2, Điều 7, Nghị định 82/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: đ) Không báo cáo về tổ chức, hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền; e) Không công bố nội dung đăng ký hoạt động hoặc nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; i) Phân công 01 luật sư hướng dẫn quá 03 người tập sự hành nghề luật sư tại cùng một thời điểm; k) Không có biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu không đúng nội dung giấy đăng ký hoạt động; l) Nhận người không đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư vào tập sự hành nghề tại tổ chức mình; không nhận người tập sự hành nghề luật sư theo phân công của Đoàn luật sư mà không có lý do chính đáng; m) Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình; n) Không cử đúng người làm việc hoặc không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác, chậm trễ thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. |
Những hành vi có vẻ như là sự sơ suất, cả nể đồng nghiệp hay sự thiếu sót câu chữ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý,… cũng là đối tượng bị phạt rất nặng, đôi khi còn lớn hơn cả giá trị (tiền) thù lao mà Luật sư được trả cho dịch vụ đó (ví dụ: Hợp đồng dịch vụ pháp lý phí thù lao 5 triệu nhưng bị phạt 20 triệu nếu hợp đồng thiếu một trong các nội dung theo Điều 26 Luật Luật sư). Đây là thực sự là điều mà các TCHNLS không thể không quan tâm chấn chỉnh.
Khoản 3, Điều 7, Nghị định 82/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: c) Cho người không phải là luật sư của tổ chức mình hành nghề luật sư dưới danh nghĩa của tổ chức mình; đ) Không cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư; h) Hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản thiếu một trong các nội dung theo quy định. |
Những hành vi nhạy cảm mang tính đạo đức và định tính, khó đo lường và thuộc về trách nhiệm cá nhân;… cũng sẽ bị phạt rất nặng đối với tổ chức hành nghề Luật sư đòi hỏi các Trưởng tổ chức không thể không chú ý trong điều hành, quản lý.
Khoản 4, Điều 7, Nghị định 82/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; c) Cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; |
Ngay cả những hành vi có thể gây tranh cải như “thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản” (Ví dụ: gửi yêu cầu dịch vụ qua email, zalo, facbook,…)
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản; b) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ, việc; c) Hoạt động khi chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động. |
Sự thành công hay chưa thực sự thành công của nhiều tổ chức hành nghề Luật sư ở mỗi địa phương, hay sự khó khăn, loay hoay, xoay xở của các TCHNLS vẫn đang là một bức tranh chưa được mô tả đầy đủ, nhưng chắc chắn vẫn đang tồn tại những gam màu khác nhau trong cộng đồng của giới Luật sư Việt Nam. Điều cần cảnh báo là, không chỉ phải quan tâm đến các quy định chuyên ngành trong quản trị tổ chức hành nghề, mà đòi hỏi các TCHNLS phải quan tâm tích cực đến các quy định pháp luật khác (Luật Thuế, Luật Lao động, Bảo hiểm,…) có tác động trực tiếp đến sự tồn tại của chính mình và đó cũng chính là những rủi ro nghề nghiệp nếu không tuân thủ đúng và đầy đủ.
Tổ chức hành nghề Luật sư buộc phải nâng tầm trình độ quản lý, chuyên môn hóa các bộ phận quản trị văn phòng, tài chính, kế toán,… lên mức độ chuyên nghiệp nếu không muốn bị xử phạt, bị tạm đình chỉ hoặc phải đóng cửa bởi sự điều chỉnh của Nghị định 82/NĐ-CP ngày 15/7/2020 có hiệu lực ngày 01/9/2020.
Luật sư LÊ QUANG Y
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai